Thời điểm cách đây vừa tròn 1 năm, Em đã có bài nhận định chi tiết về Đại diện ngành Thủy sản Việt Nam với nhiều dư địa và triển vọng, đặc biệt trong bối cảnh Thị trường Chứng khoán gần như chạm đáy với số đông Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề trong hoạt động sản xuất kinh doanh bởi Đại dịch. Quý NĐT có thể xem lại chi tiết VHC – Ông Vua Cá Tra Việt Nam.
Trùng hợp thay, VHC tiếp tục được Em cân nhắc là cơ hội giải ngân tiếp theo ở hiện tại cho Danh mục đầu tư của Anh/Chị với diễn biến Ngành Thủy sản rất tích cực đi kèm nhiều cơ hội tăng trưởng mới. Cụ thể, Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam tăng trưởng khả quan với mức +13% so với cùng kỳ trong 4 tháng đầu năm với giá trị xuất khẩu thủy sản tăng lần lượt 17% – 30% so với cùng kỳ.
Đồng thời, từ giờ đến cuối năm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ 2 cơ hội chính:
(1) Giành thị phần trực tiếp từ các đối thủ cạnh tranh có sản lượng sản xuất bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, đặc biệt là Ấn Độ giúp tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu, đặc biệt tại các nước như Mỹ và Trung Quốc.
(2) Tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ từ mảng bán lẻ và bán hàng trực tuyến – phản ứng phù hợp và chuyển dịch nhanh nhẹn về kênh bán hàng trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh, đồng thời đánh giá cao nhu cầu từ kênh nhà hàng kỳ vọng sẽ sớm phục hồi.
Với những diễn biến tích cực từ nội tại Ngành hàng Thủy sản và triển vọng rất lớn từ xuất khẩu Cá Tra – sản phẩm thủy sản đặc trưng của Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu Thế Giới, VHC xứng đáng là Doanh nghiệp được đánh giá cao nhất về cơ hội tăng trưởng với vị thế đầu ngành về nguồn lực kinh doanh và hoạt động sản xuất được đa dạng hóa mạnh mẽ để thích ứng tốt nhất với nhu cầu Thị Trường.
KHUYẾN NGHỊ MUA: VHC – CTCP VĨNH HOÀN (HSX) Target: 59.000 đồng/cp (Upsize: +40%)
• Cập nhật Kết quả Kinh doanh Quý 1/2021.
KQKD Quý 1 ghi nhận Doanh thu và LNST lần lượt đạt 1,788 tỷ đồng (+ 9.3% yoy) và 131 tỷ dồng (-13.5% yoy), tương đương hoàn thành 20.7% và 18.7% kế hoạch kinh doanh năm 2021. Nguyên nhân của hoạt động kinh doanh chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục dù Doanh thu có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020, chủ yếu vì:
(1) VHC sử dụng chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thay vì Mỹ với giá bán tại thị trường Trung Quốc thấp hơn ~20%. Động thái này trái với diễn biến của ngành khi thị trường Mỹ phục hồi khá tốt trong khi Trung Quốc chưa thấy tốc độ hồi phục mạnh mẽ trong Quý 1. Nguyên nhân đến từ việc cước vận chuyển cho các tuyến đi Mỹ, EU tăng cao đột ngột khiến VHC phải điều chỉnh lại việc xuất khẩu hàng hóa giữa các thị trường.
(2) Chi phí đến từ cước vận chuyển tăng mạnh khiến chi phí vận chuyển, lưu kho của VHC trong quý 1 tăng mạnh 181% so với cùng kỳ năm 2020, ảnh hưởng trực tiếp đến Lợi nhuận của Doanh nghiệp.
Điểm cũng cần chú ý là Doanh thu Collagen và Gelatin của VHC trong Quý 1 đạt 156 tỷ, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ – đây là mức tăng trưởng khá thấp so với quá khứ, đặc biệt khi công ty đã đưa dây chuyền Collagen và Gelatin mới (giúp tăng 75% công suất lên 3,500 tấn thành phẩm/năm) đưa vào hoạt động từ năm 2021, việc suy giảm tốc độ tăng trưởng này phần lớn đến từ Doanh thu Gelatin khi người dùng thay thế sang Gelatin từ các loại động vật khác.
• Triển vọng Tăng trưởng được đánh giá Phục hồi tích cực trên mức nền thấp
Xuất khẩu cá tra được kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ 6 tháng cuối năm nhờ nhu cầu tăng trưởng trởi lại. Tính đến thời điểm hiện tại, các quốc gia trên thế giới đều đang tăng cường triển khai việc tiêm vắc xin Covid – 19 cho người dân, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam, điều này giúp dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp phòng tránh Covid và mở cửa nền Kinh tế trở lại, hỗ trợ cho hoạt động nhập khẩu và nhu cầu sử dụng sản phẩm nhập khẩu tại các nước này.
Đối với thị trường Trung Quốc, Từ tháng 10 năm ngoái việc nước này thắt chặt thủ tục hải quan đối với thủy sản nhập khẩu đã có ảnh hưởng tiêu cực đối với việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Với 6 tháng cuối năm khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ kỳ vọng giúp quy trình xuất khẩu trở lại bình thường. Cụ thể, tình hình xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tính đến ngày 11/05/2021 với kim ngạch xuất khẩu cá tra phục hồi tích cực khi tăng 30% so với cùng kỳ bên cạnh giá bán cũng tăng trưởng trở lại.
Đối với thị trường Mỹ, đánh giá cao trong nửa cuối năm việc xuất khẩu vào Thị trường này sẽ phục hồi nhờ mức nền thấp trong năm 2020 và thị phần đến từ Ấn Độ – một trong các quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn vào Mỹ – bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid – 19 khiến chuỗi sản xuất nuôi trồng thủy sản bị đứt gãy. Cụ thể giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tính đến ngày 11/05/2021, giá trị xuất khẩu cá tra tăng trưởng 47% so với cùng kỳ do kim ngạch cùng kỳ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi Covid – 19 với mức giá bán chỉ giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ.
Nguồn cung cá tra khó có thể mở rộng trong ngắn hạn, giúp các doanh nghiệp có khả năng tăng giá bán khi nhu cầu tăng trưởng trở lại, nguồn cung cá tra khó có thể mở rộng ngay lập tức dù nhu cầu hồi phục lại sau hai năm giá cá tra nguyên liệu ở mức thấp, thậm chí người nuôi còn bị lỗ, khiến cho người dân không còn mặn mà với cá tra. Việc nguồn cung còn hạn chế và khó có thể mở rộng tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp có nguồn nhiên liệu ổn định như VHC chủ động được trong giá bán đầu ra, hỗ trợ cho biên Lợi nhuận của Công ty được cải thiện.
Chiến lược phát triển được đánh giá phù hợp với việc tăng tỷ trọng các hoạt động có nguồn doanh thu ổn định. Cá tra là sản phẩm thủy sản chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố cung – cầu cũng như chính sách tại các nước xuất khẩu, do đó xuất khẩu cá tra thường theo chu kỳ và triển vọng thay đổi nhanh khiến cho hoạt động kinh doanh của VHC cũng phải chịu mức biến động cao. Vì vậy để đảm bảo mức nền tối thiểu cho hoạt động kinh doanh, trong các năm gần đây Công ty đã liên tục đầu tư phát triển các sản phẩm sâu liên quan đến cá tra nhưng ổn định hơn nổi bật nhất là Collagen và Gelatin đồng thời, công ty cũng liên tiếp công bổ vốn đầu tư vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản với truyền thống với mức tăng trưởng ổn định (Sa Giang với bánh phồng tôm, Thành Ngọc với rau quả và Avant với sản phẩm protein từ cá).
Đây rõ ràng là sự thay đổi lớn trong chiến lược phát triển khi công ty đặt tham vọng xây dựng một hệ sinh thái nền kinh tế tuần hoàn với sản phẩm không chỉ dừng lại ở cá tra mà cả sang các sản phẩm khác, cũng phải nhìn nhận rằng đây là một chiến lược rất dài hơi và khó có thể thấy thành quả trong ngắn hạn khi công ty phải cùng lúc đầu tư xây dựng và nghiên cứu nhiều hạng mục mới. Tuy nhiên cũng có thể xem đây là một cánh cửa mới có thể mang lại bước đột phát và rất đáng kỳ vọng trong tương lai nếu Công ty phát triển tốt hệ sinh thái mới trên nền hoạt động kinh doanh cốt lõi.
TỔNG KẾT: VHC từ lâu đã là nhà xuất khẩu cá tra chiếm ưu thế trên thị trường với 45% thị phần tại Mỹ và triển vọng tăng trưởng tại Thị trường này sẽ tiếp tục phục hồi khi các nước mở rộng nhập khẩu trở lại sau đại dịch. Bên cạnh việc phát huy mọi năng lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh chính, VHC cũng đang định hình trở thành một công ty F&B để có thể tạo ra dòng tiền bền vững hơn, làm tiền đề thúc đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả Kinh doanh của mình.