Điều gì khiến thị trường quay trở lại sau ngày 18/10 chấm dứt phiên giảm kéo dài

Nhà đầu tư nào cũng có thể thấy thị trường chúng ta đang giảm rất sâu, gần như là vô lý khi xét từ đỉnh 1,530 thiết lập vào tháng 4/2022, VNIndex đã đánh mất 31%, về 1,060 vào tháng 10/2022. Đà giảm thị trường vừa qua có phần thái quá khi chịu áp lực bán tháo do tâm lý bi quan của nhà đầu tư. 

Thậm chí, mặc dù chưa có suy thoái xảy ra, trước các tin đồn và tin thật lẫn lộn về các vụ bắt bớ, thanh trừng, định giá của nhiều cổ phiếu doanh nghiệp lớn như HPG hay nhiều ngân hàng đã về mức P/B quanh 1 lần hoặc dưới 1.

 

Tuy nhiên, trước việc thị trường giảm mạnh như vậy, thay vì lo lắng, sợ hãi, cuốn theo các tin tức tiêu cực, chúng ta có thể nhìn theo hướng trong nguy luôn luôn có cơ. Hôm nay, em xin giới thiệu một lý thuyết tài chính mang tên: MEAN REVERSION – TRỞ VỀ GIÁ TRỊ TRUNG BÌNH để giải thích cho tiềm năng hồi phục của thị trường chứng khoán sắp tới.

 

Nội dung bài viết:

1/ Mean Reversion – Lý thuyết Trở Về Giá Trị Trung Bình là gì?

2/ Áp dụng lý thuyết vào thị trường: Định giá P/E P/B của VNIndex

 

1/ Mean Reversion – Lý thuyết Trở Về Giá Trị Trung Bình là gì?

Trong quyển “Đạo đức kinh” – quyển sách 5,000 chữ kết tinh một đời trí huệ của Lão Tử có câu nói:

 

“Vật cực tất phản”

Câu nói này có nghĩa là một vật hoặc một sự việc khi đi đến điểm cực độ trong giới hạn thì sẽ phản đảo lại. Nó có thể từ tốt thành xấu, từ xấu thành tốt. Họa phúc đan xen lẫn nhau, mầm họa từ phúc lớn mà ra (thị trường tăng quá rồi sau đó tất sẽ giảm), phúc lại nảy mầm trong họa (thị trường giảm quá sẽ hồi phục và/hoặc bước vào sóng tăng).

 

Thị trường chứng khoán của chúng ta cũng thế, khi thị trường giảm đến cực độ, tâm lý nhà đầu tư bi quan nhất, tin tức là tệ hại nhất thì thị trường tạo đáy và tăng ào ào (như thời Covid). Còn khi ai cũng tin giá chứng khoán sẽ lên đến mặt trăng, mua là thắng, thì thị trường thường tạo đỉnh và giảm mạnh. Tưởng đây là đùa vui, nhưng trong ngành tài chính, chúng ta có một lý thuyết tài chính bàn về hiện tượng này:

 

Mean Reversion – Lý thuyết Trở Về Giá Trị Trung Bình

 

Mean Reversion – Lý thuyết Trở Về Giá Trị Trung Bình (từ đây gọi tắt là lý thuyết MR) là một lý thuyết được sử dụng trong tài chính, cho thấy rằng biến động giá tài sản (như chứng khoán, bất động sản, v.v.) thường có xu hướng trở lại mức trung bình dài hạn của nó sau khi biến động mạnh.

 

Lý thuyết MR có thể xuất hiện trong tăng trưởng kinh tế, biến động giá của cổ phiếu, tỷ lệ P/E, P/B của thị trường, v.v.

Hiện tại, khi VNIndex đánh mất 30% từ đỉnh tháng 4/2020, nhiều nhà đầu tư bi quan rằng thị trường sẽ về thời kỳ đồ đá: 900 điểm, thậm chí 600 điểm. VNIndex mất 1 năm 2 tháng để tăng từ 1,000 lên 1,500 (từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022), nhưng chỉ mất vỏn vẹn… 6 tháng để rơi từ 1,500 về 1,000 (từ tháng 4/2022 đến hiện tại), cho thấy lực giảm cực kỳ mạnh và lực bán tháo không thương tiếc. 

Tâm lý bao trùm trên thị trường là hoảng sợ và mất niềm tin.

 

Nhưng thay vì quá bi quan khi thị trường giảm và suy nghĩ rằng thị trường vô phương cứu chữa, lý thuyết MR nhắc chúng ta khi thị trường giảm càng nhanh và mạnh, nó thường là dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ đảo chiều vì giá luôn có khuynh hướng trở lại giá trị trung bình.

 

Lý thuyết MR có rất nhiều cách để áp dụng, nhưng trong khuôn khổ bài viết hôm nay, chúng ta hãy cùng sử dụng một số phương pháp phổ biến để áp dụng lý thuyết Mean Reversion vào VNIndex để làm rõ tại sao VNIndex đang đứng trước thềm “bật tăng để trở về giá trị trung bình.”

 

2/ Áp dụng lý thuyết vào thị trường: Định giá P/E, P/B của VNIndex

 

P/E và P/B là hai chỉ số định giá thường dùng khi định giá thị trường:

  • P/E đo lường mối quan hệ giữa giá với thu nhập trên 1 cổ phiếu 
  • P/B là giá trị sổ sách của chính cổ phiếu đó.

 

P/E và P/B thường có một mức trung bình phù hợp với mỗi thị trường, và khi hai chỉ số này giảm quá mức thì có nghĩa giá cổ phiếu đang rẻ và có khả năng tăng cao trong tương lai.

 

Theo thống kê của BSC, tính đến ngày 14/10/2022, P/E dự phóng và P/B của VN-Index đang lần lượt ở mức thấp thứ 3 và mức thấp thứ 5 lịch sử. Điều này là rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn nền kinh tế đứng trước suy thoái hay thiên nga đen như Covid-19, hay giai đoạn đóng băng bất động sản và nợ xấu cao (2011-2012).

 

Lý thuyết MR áp dụng ở việc: khi P/E và P/B giảm sâu, trong những lần trước, theo thời gian, chỉ số đều tăng trở lại vì dòng tiền đầu tư cơ bản tham gia nhập cuộc khi thấy giá đã “rẻ”.

 

Quan sát ở hai hình dưới đây, chúng ta thấy sự so sánh đối chiếu của P/E, P/B và chỉ số VNIndex. Trong ba lần P/E và P/B đạt mức thấp lịch sử, lần lượt vào tháng 2/2009, tháng 1/2016 và tháng 3/2020 thì VNIndex đều có sự phục hồi mạnh mẽ từ đáy lên đến đỉnh tương ứng vào các giai đoạn là: 

  • Tăng 150% từ tháng 2/2009 đến tháng 10/2009
  • Tăng 120% từ tháng 1/2016 đến tháng 4/2018
  • Tăng 130% từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2022

P/E trung bình của thị trường ta là ở mức 14.5, ở mốc 1,330, hay nói cách khác, xét thuần theo lý thuyết MR – Trở Về Giá Trị Trung Bình thì khi thị trường giảm mạnh về P/E ở mức như hiện tại, thị trường có xu hướng trở về mức trung bình là 13-14, tương ứng với điểm số 1,330. 

 

Tất nhiên, lý thuyết MR chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để chúng ta có thêm niềm tin vào thị trường và vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Còn để xác nhận một sóng tăng mới cho thị trường, chúng ta cần sự xác nhận của phiên Bùng nổ theo đà, bởi không có một thị trường tăng giá mới nào xuất hiện mà thiếu vắng phiên Bùng nổ theo đà.