LÀM THẾ NÀO ĐỂ VỮNG TÂM LÚC THỊ TRƯỜNG KHÓ

Trong lúc thị trường khó khăn, kinh tế trì trệ và lạm phát như hòn đe lơ lửng trên đầu, có lẽ nhà đầu tư chúng ta không khỏi nản lòng khi thấy công việc của mình đình trệ, tài khoản mình sụt giảm. Lúc này cũng là lúc chúng ta băn khoăn với điều mình làm, mất tự tin vào khả năng của bản thân hay nghi ngờ phương pháp đầu tư. Nhưng trước bình minh luôn là lúc tối nhất, đây là lúc ta cần kiên nhẫn và tiếp tục hành trình, thay vì từ bỏ. 

 

Vốn dĩ thị trường chứng khoán là thị trường của con người, do đó, nó không phải thứ trắng đen rạch ròi, mà đan xen của các gam màu tham lam, sợ hãi, ngạo mạn, tự ti, hài lòng… Đầu tư chứng khoán không phải chỉ là đi tìm Chén Thánh – một phương pháp thần kỳ cho ta lợi nhuận, mà đầu tư còn là kiểm soát tâm lý, rèn luyện cảm xúc. 

 

Trong thời điểm rối ren như hiện tại, thay vì nói về cổ phiếu (vì thật ra hiện giờ, cổ phiếu nào cũng rẻ nhưng dòng tiền thì chưa thấy đâu), chúng ta hãy cùng nhau làm vững chắc tâm mình, bởi: “Tâm an vạn sự sẽ an.” Do đó, em xin gửi gắm 10 điều răn của William O’Neil  cây đại thụ trong giới đầu tư tăng trưởng, để mỗi lúc đối diện với khó khăn, bất kể là trong đầu tư hay cuộc sống, chúng ta có thể vững tin vào hành trình và lựa chọn của mình.

 

ĐIỀU RĂN ĐẦU TIÊN: “ĐỪNG BAO GIỜ ĐÁNH MẤT BẢN THÂN”

 

Đây là điều răn Đầu Tiên trong số các quy tắc có thể áp dụng trong cuộc sống nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng mà William O’Neil tâm niệm. Chúng ta phải giữ điềm đạm trước ảo tưởng và cái bẫy của vinh hoa phú quý, vì chúng thường khiến nhiều người “đánh mất chính mình”, khi có quá nhiều ảo tưởng hay tiền bạc, rốt cuộc ta sẽ đến chỗ lụi tạn. Điều này là tối quan trọng.

ĐIỀU RĂN THỨ HAI: “ĐỪNG BAO GIỜ HÀNH ĐỘNG TRONG TÂM THẾ SỢ HÃI”

 

Khả năng đứng dậy và phục hồi sau mỗi giai đoạn khó khăn bằng can đảm và bền chí chính là Điều Răn Thứ Hai của O’Neil. Nếu cảm thấy sợ hãi trên thị trường, vì gần đây mới chịu thua lỗ hay vì sai lầm gì đó khác, hoặc nếu đầu tư mà cứ lo lắng mình đang chịu độ rủi ro lớn, có nghĩa là chúng ta đang đặt bản thân mình vào vị thế đưa ra những quyết định không rõ ràng và thiếu chính xác. 

 

Khi đó, chúng ta nên:

+ Tìm cách điều chỉnh quy mô vị thế giao dịch để loại bỏ sợ hãi

+ Chấp nhận sự thật rằng nếu lúc nào cũng sợ hãi khi tham gia thị trường, thì tốt nhất đừng nên đầu tư.

 

Hành động từ tâm thế vững chãi cũng có nghĩa là không nợ nần để không bị lệ thuộc vào bất cứ khoản nợ nào trong hoạt động. Khi thị trường khó, chúng ta nên hạn chế margin, hạn chế tiêu dùng để sống qua mùa đông.

ĐIỀU RĂN THỨ BA: “CHÚNG TA HỌC TỪ KẺ THÙ NHIỀU HƠN TỪ BẰNG HỮU”

 

O’Neil đối mặt với những kẻ gièm pha và chỉ trích bằng cách biến sự tiêu cực của họ thành tích cực. Khi đối diện với những kẻ bới lông tìm vết và nói xấu sau lưng, O’Neil nhắc chúng ta: “Chúng ta học được từ kẻ thù nhiều hơn từ bằng hữu.” Theo O’Neil, đây là sự chuyển hóa từ điều tiêu cực thành tích cực, và những lời chỉ trích của các bên thứ ba được xem như bài học tiềm năng. Thực sự, quy tắc này chứa đựng phần nào thực tế, rằng kẻ thù luôn vạch lá tìm sâu ở điều chúng ta làm, tìm kiếm lỗi lầm nhằm hạ chúng ta xuống. Tuy nhiên, trong quá trình đấy, họ có thể giúp ta phát hiện những lĩnh vực mình còn yếu kém hoặc sai sót; một “khiếm khuyết” như O’Neil hay nói.

ĐIỀU RĂN THỨ TƯ: “KHÔNG BAO GIỜ NGỪNG HỌC HỎI”

 

O’Neil tâm niệm: “Không bao giờ ngừng học hỏi và tiến bộ, cách duy nhất để làm điều này là thường xuyên rà soát lại sai lầm và sửa chữa chúng.” Đầu tư nói riêng và cuộc sống nói chung là một hành trình có đúng có sai, nhưng nếu chỉ mải miết leo lên nấc thang danh vọng, giả vờ nhắm mắt trước thất bại và đổ lỗi cho người khác, chúng ta sẽ như chiếc xe mắc kẹt trong vũng lầy. Thay vào đó, có sai thì sửa, và có sai thì học hỏi, đó là điều về lâu về dài sẽ đem lại thành công.

ĐIỀU RĂN THỨ NĂM: “ĐỪNG BAO GIỜ NÓI VỀ CỔ PHIẾU CỦA MÌNH”

 

Thường khi mua “trúng” cổ phiếu, chúng ta hay cảm thấy phấn khích và ba hoa mình thành công thế nào trên thị trường. Bằng cách tuân thủ chặt nguyên tắc không bao giờ bàn luận về cổ phiếu của mình, chúng ta loại bỏ mong muốn thỏa mãn cái tôi khi khoe khoang về thành công. Đồng thời, nó giúp chúng ta lý tính hơn khi xử lý cổ phiếu.

 

ĐIỀU RĂN THỨ SÁU: “ĐỪNG NGẤT NGÂY LÚC THỊ TRƯỜNG Ở ĐỈNH”

 

Tính ra Điều Răn Thứ Năm có thể giúp bạn thực hành Điều Răn Thứ Sáu: “Đừng ngất ngây lúc thị trường ở đỉnh”, vì đó thường là thời điểm để bán.

ĐIỀU RĂN THỨ BẢY: “DÙNG ĐỒ THỊ TUẦN VÀ NGÀY

 

Điều Răn Thứ Bảy là “Trước hết hãy dùng đồ thị tuần, sau đó đến đồ thị ngày. Không cần quan tâm đồ thị trong ngày.” Đồ thị tuần loại bỏ nhiều tín hiệu nhiễu vốn có trong các biến động ngắn hạn, đồng thời mang đến các manh mối ý nghĩa về hành động tích lũy của nhà đầu tư tổ chức.

 

ĐIỀU RĂN THỨ TÁM: “MUA CỔ PHIẾU LỚN”

 

Sử dụng đồ thị tuần làm phương pháp chính để nhận biết hành động tích lũy của nhà đầu tư tổ chức ở cổ phiếu cũng nhất quán với Nguyên Lý Cổ Phiếu Lớn. Chúng ta nên: “Tìm cổ phiếu lớn, sau đó tìm cách sở hữu một lượng lớn.”

 

ĐIỀU RĂN THỨ CHÍN: “CẨN THẬN VỚI NGƯỜI MÀ BẠN ĐƯA LÊN GIƯỜNG”

 

Có lẽ đây là một trong những quy tắc quan trọng nhất mà O’Neil từng dạy cho học trò. Điều này không hề dính dáng gì đến chuyện yêu đương, hàm ý ở đây là ta phải thận trọng với đối tác kinh doanh của mình. O’Neil cho rằng sự tin tưởng và lòng chính trực giữa hai con người là biến số quan trọng nhất trong cuộc sống và kinh doanh.

 

O’Neil từng nói, cuộc sống và thương trường sẽ đem đến cho chúng ta rất nhiều kẻ thù và những kẻ chỉ trích, vì thế hãy chọn bạn bè, bạn đời và cộng sự một cách cẩn trọng và sáng suốt!

 

ĐIỀU RĂN THỨ 10: “LUÔN DUY TRÌ SỰ TẬP TRUNG ĐẾN MỨC TỐI ĐA”

 

Các môn đệ của O’Neil rút ra điều răn này từ sự tận tụy và đam mê mãnh liệt của ông với thị trường

Duy trì “sự tập trung đến mức tối đa” không có nghĩa là trở thành kẻ cuồng công việc, trở thành kẻ nô lệ vô tri trong công việc của mình. Điều răn này muốn nói ta hãy tìm kiếm đam mê trong đời, để “công việc” ta làm không còn là công việc theo nghĩa đen nữa, mà là lúc ta được sống với đam mê. Không phải ai cũng may mắn được làm công việc mà mình yêu thích, nhưng đó là điều mà O’Neil luôn hướng đến trong cuộc sống. Và duy trì sự tập trung tối đa là một cách nói con người luôn phải tìm kiếm và theo đuổi tham mê trong đời, dù bằng cách này hay cách khác. Chính điều này khiến cuộc đời trở nên đáng sống, và bằng cách theo đuổi đam mê không ngừng nghỉ, chúng ta đạt đến trạng thái tập trung cao độ, từ đó lại càng chạm đến nhiều thành công hơn. Như cách O’Neil thường nói: “Đừng cưỡi ngựa xem hoa mà hãy dốc hết sức mình!” 

 

KẾT LUẬN

Đầu tư cũng như dòng sông, có lúc chảy siết, có lúc thanh bình, nhưng không phải khi thấy nước siết mà chúng ta từ bỏ, bởi qua gian truân, ta mới đi đến được thượng nguồn mát lành. Thị trường chứng khoán giai đoạn này là lúc bất định trước những thông báo của Fed, lạm phát, chiến tranh của Nga – Ukraine. Đây là lúc chúng ta cần bình tĩnh và nhìn xa hơn để thấy cơ hội, thay vì để bị cuốn vào cảm xúc. Hy vọng những lời chia sẻ trên sẽ là liều thuốc tinh thần, giúp Quý Nhà đầu tư vững ý chí trong giai đoạn hỗn loạn của cả kinh tế và chứng khoán.