Và tất nhiên, vai trò của nhóm ngành này đối với sự Phát triển và Nâng hạng TTCK Việt Nam không thể chối bỏ – sẽ là một thiếu sót với việc bỏ qua đầu tư cổ phiếu Ngành Ngân hàng khi kỳ vọng về triển vọng Thị trường CK sẽ tiếp tục thiết lập vùng đỉnh mới, bất chấp các yếu tố và rủi ro ngắn hạn đang bủa vây.
Bên cạnh đó, Cổ phiếu Ngành Ngân hàng đang được giao dịch tại mức PB trailing rất hấp dẫn (so với quá khứ) – đây được xem là cơ hội đầu tư và Chúng tôi KHUYẾN NGHỊ GIẢI NGÂN CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG.
KHUYẾN NGHỊ GIẢI NGÂN CỔ PHIẾU NGÂN HÀNG
Sau giai đoạn chứng kiến lãi suất giảm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh khởi phát năm 2020, lãi suất tại các Ngân hàng được duy trì tương đối ổn định ở mức thấp trong năm 2021. Lãi suất cho vay và huy động bình quân ngành ngân hàng ở mức 8.1% và 3.69%/năm, trong năm cũng không chứng kiến bất kỳ sự thay đổi về lãi suất điều hành nào. Với mức nền cơ sở thấp và việc tiếp tục giảm lãi suất huy động gần như không thể xảy ra nữa, thì việc tăng trưởng thu nhập lãi ròng (NII) của Ngành hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ hoặc tối ưu hóa lợi nhuận (gia tăng hệ số LDR và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn). Các yếu tố được đẩy mạnh trong môi trường lãi suất thấp:
- Cuộc cạnh tranh giành lấy thị phần CASA có phần căng thẳng hơn khi đây được xem là nguồn vốn rẻ giúp các ngân hàng gia tăng lợi nhuận mạnh mẽ nhất. Cụ thế các Ngân hàng ưu thế nhất về CASA là TCB, VPB, MBB, TPB – đặc điểm chung đây là nhóm Ngân hàng có tiềm lực mạnh về hệ sinh thái, nếu không sẽ là các Ngân hàng có nền tảng số và công nghệ vượt trội đi kèm các chương trình miễn phí Dịch vụ chuyển khoản để tiếp cận tệp KH cá nhân gia tăng CASA.
- Tận dụng môi trường vốn rẻ, các Ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu trung hạn với lãi suất thấp hơn giai đoạn 2019-2020 (ACB, TPB, VPB) hoặc ưu tiên huy động vốn dài hạn ở nước ngoài (TCB, VPB, MSB, OCB, HDB, VIB, …) để giảm thiểu chi phí và tối đa hóa lợi ích huy động vốn.
- Các Ngân hàng cũng đã công bố nhiều Phương án huy động vốn điều lệ. Trong đó chỉ có TPB hoàn thành phát hành riêng lẻ trong năm 2021, các Ngân hàng còn lại BID, VCB, MBB, OCB, LPB, SHB có thể hoãn kế hoạch tăng vốn đến năm 2022 giúp tăng dư địa them cho việc tối ưu hóa huy động vốn.
(2) Khoảng cách tăng trưởng tín dụng được thu hẹp giữa các Ngân hàng TMCP và Ngân hàng thương mại nhà nước.
Tính đến hết năm 2021, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt mức 13.53%, động lực tăng trưởng chính là cho vay bán lẻ tại ACB, TCB, TPB, VIB và CTG. Trong khi đó BID, VCB, VPB, SHB và STB có mức tăng trưởng cân bằng hơn ở cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Khoảng cách tăng trưởng tín dụng được thu hẹp giữa NHTMCP và NHTMNN vì với nền lãi suất cho vay trung bình ở mức thấp thì các NHTM nhà nước có dư địa đẩy nhanh các khoản cho vay bán lẻ có lãi suất cho vay thấp hơn, trong khi các NHTM cổ phần bị ràng buộc phần nhiều bởi hạn mức tín dụng ban đầu được cấp thấp hơn so với các năm trước. Điểm tích cực vào cuối năm các NHTM cổ phần được cấp thêm hạn mức tín dụng cao hơn tạo dư địa mở rộng hoạt động tín dụng càng về cuối năm.
(3) Chất lượng tài sản là yếu tố được đưa lên hàng đầu.
Với thực trạng chưa từng có tiền lệ, tác động của các đợt dịch Covid đến chất lượng tài sản của hệ thống Ngân hàng không dễ để khắc phục. Nợ tái cơ cấu (bao gồm cả các khoản cho vay nhóm 2 và các khoản vay cơ cấu lại bị ảnh hưởng bởi COVID-19) gia tăng – Cụ thể là nợ tái cơ cấu (bao gồm nợ nhóm 2) và các khoản nợ cơ cấu lại tăng mạnh (ở mức 7.31% so với 5.1% năm 2020), do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài trên toàn quốc trong Q3/2021.
Tuy nhiên, điểm tích cực khi tỷ lệ nợ xấu bất ngờ được cải thiện trong Q4/2021, sau khi Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm hàng đầu trên thế giới qua đó sự trở lại mạnh mẽ của nền kinh tế với kỳ vọng vào gói phục hồi kinh tế đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong Q4/2021 cho tới hiện nay (Q1/2022). Việc tăng mạnh dư nợ tín dụng bên cạnh việc đẩy mạnh xóa nợ xấu trong quý cuối năm đã giúp cải thiện tỷ lệ nợ xấu nội bảng của đa số các Ngân hàng, đặc biệt là nhóm các NHTM tư nhân. Và tất nhiên thực trạng bắt buộc phải chấp nhận là nhóm các Ngân hàng có tỷ trọng dư nợ bán lẻ cao bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tác động của dịch – đặc biệt là nhóm cho vay tiêu dùng, trong bối cảnh dư nợ nhóm này vẫn tăng đáng kể.
II. TRIỂN VỌNG NGÂN HÀNG 2022 – XỨNG ĐÁNG CHO CƠ HỘI ĐẦU TƯ MỚI
(1) Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ mạnh hơn 2021 xuất phát từ cả lực cung và cầu.
Nhu cầu tín dụng (đặc biệt là nhóm KH Doanh nghiệp) đã phục hồi mạnh mẽ trong Q4/2021 khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu gia tăng trở lại sau thời gian giãn cách xã hội. Ước tính đà tăng trưởng này vẫn sẽ tiếp tục duy trì xuyên suốt năm 2022 để đáp ứng đà phục hồi kinh tế cần thiết sau giai đoạn ảnh hưởng dài của đại dịch, nhu cầu vay cũng đồng thời lan tỏa đến mảng bán lẻ thuận chiều với sức cầu của nền kinh tế.
Về phía cung, các chỉ tiêu an toàn vốn tại nhóm các ngân hàng đặc thù như TPB và VPB được cải thiện tăng lên sau đợt phát hành riêng lẻ và thoái vốn công ty con trong năm 2021. Đồng thời BID, VCB, MBB, VPB, OCB, LPB, SHB, MSB, HDB cũng có thể cải thiện vị thế vốn nếu kế hoạch phát hành riêng lẻ và/hoặc phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công trong năm 2022. Tuy nhiên cũng cần lưu ý cơ cấu tín dụng có thể được điều chỉnh do việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thể ưu tiên tiết giảm với sự quản lý chặt chẽ hơn, đặc biệt sau những lùm xùm mà rủi ro của phát hành trái phiếu Doanh nghiệp – đặc biệt là Trái phiếu BĐS đang cho thấy những sai phạm ảnh hưởng trực tiếp đến NĐT.
(2) NIM kỳ vọng duy trì tăng trưởng ổn định dù có hay không môi trường lãi suất huy động tăng lên.
Dựa trên kịch bản khả dĩ nhất, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế kỳ vọng NHNN sẽ duy trì quan điểm chính sách tiền tệ phù hợp trong năm 2022 – với lãi suất nếu có sẽ biến động trong biên độ hẹp và không tính đến áp lực lạm phát bất ngờ nào diễn ra. Mặc dù xu hướng lãi suất huy động có sự đảo ngược nhưng NIM của hệ thống các NHTM có thể vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định nhờ vào việc các gói hỗ trợ lãi suất kết thúc vào năm 2022 sẽ dẫn đến cải thiện lợi suất tín dụng của các ngân hàng, đồng thời khi nền kinh tế phục hồi, các ngân hàng có thể dễ dàng chuyển phần lớn tác động tăng chi phí huy động vào lợi suất cho vay của khách hàng đảm bảo duy trì thu nhập từ lãi duy trì.
(3) Kỳ vọng thu nhập ngoài lãi sẽ tăng lại trong ngắn hạn và trung hạn.
Do các biện pháp quản lý xã hội của Chính phủ, tăng trưởng doanh số hoạt động banca (hoạt động mang lại thu nhập ngoài lãi tỷ trọng nhiều nhất) đã chịu nhiều áp lực khi công tác bán hàng ảnh hưởng trực tiếp vào năm 2021 nhưng kỳ vọng năm 2022 sẽ chứng kiến sự phục hồi từ hoạt động banca qua đó hỗ trợ tăng trưởng thu nhập từ dịch vụ. Bên cạnh đó kỳ vọng chi phí phát sinh từ việc tiếp cận khách hàng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, chẳng hạn như chương trình hoàn tiền, chi phí tiếp thị sẽ tăng với tốc độ thấp hơn năm 2021 đồng thời nguồn thu nhập đến từ việc thu hồi nợ xấu đã xóa có thể là một nguồn thu nhập bất thường cho ngành ngân hàng trong thời gian tới.
(4) Tăng trưởng thu nhập bền vững bù đắp cho việc tăng trích lập dự phòng.
Với đánh giá tỷ lệ nợ xấu sẽ tiếp tục gia tăng trong 2022, các ngân hàng đã chủ động tăng tỷ lệ dự phòng rủi ro để giúp cải thiện chất lượng tài sản cũng như “dự phòng” lợi nhuận cho năm 2022, cộng thêm việc tăng trưởng tín dụng cao trong quý cuối cùng của năm 2021 vẫn chưa được phản ánh đầy đủ trong thu nhập từ lãi trong năm tài chính 2021 do đó, có thể kỳ vọng thu nhập từ lãi sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong 2022. Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi được kỳ vọng sẽ tích cực trở lại nhờ sự hồi phục của hoạt động banca và dịch vụ bảo lãnh phát hành trái phiếu đồng thời, nguồn thu nhập đến từ việc thu hồi nợ xấu đã xóa có thể là một nguồn thu nhập đột biến. Vì vậy, mặc dù trích lập dự phòng được dự báo tăng nhẹ vào 2022 và 2023 do hệ quả của dịch COVID-19, tăng trưởng thu nhập cả từ lãi và ngoài lãi sẽ giúp bù đắp lại tác động tiêu cực lên lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2022.
TỔNG KẾT: Tuy nhiên, để đảm bảo định giá phù hợp các lựa chọn hàng đầu của Tôi đánh giá là những ngân hàng tư nhân có triển vọng tăng trưởng thu nhập cao và chất lượng tài sản tương đối tốt: TCB, VIB, VPB (độ nhạy tích cực với thị trường). Đối với các ngân hàng quốc doanh, VCB & CTG là nhóm Cổ phiếu được ưu tiên nhờ chất lượng tài sản tốthàng đầu ngành cũng như kỳ vọng tăng trưởng ROE vẫn ở mức cao (>20%).